Dịch trang

Giá chung cư ở các quận nội thành Hà Nội tăng nhẹ

Giá chung cư ở các quận nội thành Hà Nội tăng nhẹ

02/03/2015 07:36

Gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành công bố chỉ số giao dịch bất động sản trong năm 2014 tại các quận nội đô.

Theo số liệu trên, tại phần lớn các địa bàn trong 12 quận được tiến hành khảo sát, các phân khúc trung cư từ bình dân, trung cấp tới cao cấp so với đầu năm đều tăng giá nhẹ. Kết quả đó cho thấy, người mua dù đã có tâm lý tích cực hơn nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác nữa khiến cho biên độ giá chỉ này chỉ dao động trong khoảng hẹp.
Cụ thể, tại phân khúc bình dân, chỉ số trên đã ghi nhận giá giao dịch trên địa bàn quân Hoàng Mai. Chỉ số giá của các quý ở đây dao động nhẹ với khoảng 81-82%. Chung cư cao cấp tại quận Hoàng Mai trong 2 quý cuối năm không có sự thay đổi nào về giá và chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn là 73%. Chung cư cao cấp của quận Tây Hồ (địa bàn hẹp của TP. Hà Nội) cũng dậm chân tại chỗ với 76% trong 3 quý liên tiếp. Như vậy, giá chung cư cao cấp ở quận Tây Hồ giảm 1 % so với cả năm 2013 và quý I/2014, cụ thể từ 77% xuống 76%.
chung cư
Phân khúc chung cư ở các quận nội thành Hà Nội tăng giá nhẹ (ảnh minh họa)
Giá của phân khúc trung cấp có mức tăng cao nhất được ghi nhận ở quận Thanh Xuân, Hà Đông và 2 quận mới thành lập là Bắc Từ Liêm  và Nam Từ Liêm, cụ thể mức tăng là 3% trong quý IV so với quý III/2014. Cũng trong thời điểm này, tại các quận Long Biên, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, phân khúc này có mức tăng 1%.
Mức tăng giá tốt nhất ở phân khúc chung cư cao cấp thuộc về quận Cầu Giấy với 5 điểm phần trăm, cụ thể từ 74% lên 79%. Vào thời điểm quý IV/2014, chung cư cao cấp ở quận Thanh Xuân đã tăng giá 2% so với quý liền trước. Như vậy, liên tiếp 2 quý chung cư cao cấp tại quận Thanh Xuân đã tăng giá tốt, từ 86% (quý II) đến 89% (quý III) và 91% (quý IV). Trong số 12 quận được khảo sát, nếu xét về cả 2 phân khúc cao cấp và trung cấp thì địa bàn quận Thanh Xuân và Cầu Giấy có diễn biến giá tốt nhất.
Còn về sự phục hồi và giữ giá chung cư so với thời điểm gốc quý I/2011 (100%), trong cả năm 2014, phân khúc chung cư trung cấp ở quận Hai Bà Trưng mất giá ít nhất với mức giá cụ thể ghi nhận ở 98%. Xếp thứ hai là chung cư cao cấp tại Thanh Xuân mức giá 88%. Vị trí thứ ba thuộc về chung cư trung cấp tại quận Ba Đình với 85%.
(Theo VOV) 
********************************************

Rủi ro lớn khi đổ quá nhiều tiền vào bất động sản

28/02/2015 08:04

Đó chính là nhận định của nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa khi nói về triển vọng của thị trường sáp nhập, mua bán bất động sản (BĐS) trong năm 2015.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, nếu nguồn tài chính tập trung vào BĐS thì thị trường này dễ bị tổn thương bởi tín dụng tăng mạnh có thể khiến bong bóng BĐS quay trở lại.

Đầu cơ địa ốc là tự giết mình

Theo nhiều chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ có 4 yếu tố tăng nếu nhìn ở khía cạnh lạc quan. Đó là tăng đầu tư; tăng nhu cầu về nhà ở; tăng  sát nhập, mua bán và tăng tín dụng.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn không ít rủi ro. Đơn cử, yếu tố pháp lý, rào cản về nợ xấu và tính dễ bị tổn thương của thị trường này. Nhất là tình trạng đầu cơ và "thổi giá" bắt đầu có dấu hiệu tái diễn, tập trung nhiều nhất ở phân khúc cao cấp.
Trên thực tế, giá cả BĐS còn bấp bênh mặc dù giao dịch đã tăng trở lại. Điều đáng lo ngại là yếu tố "thổi giá" luôn tỷ lệ thuận với tổng số giao dịch.
Nhiều chủ đầu tư mới đây đã ồ ạt tung ra các dòng BĐS cao cấp có mức giá "trên trời". Đặc biệt điều đáng chú ý là có những cái tên trước đó chưa từng xuất hiện trên thị trường này. Cũng có những cái tên vốn chỉ thực hiện những dự án BĐS bình dân cũng đã bắt đầu "lấn sân" sang phân khúc cao cấp.
bất động sản
Doanh nghiệp BĐS đang có cơ hội lớn nếu đầu tư đúng hướng (ảnh: Ngôn Dân)
Người khách hàng dư dả có quyền sở hữu những BĐS giá cao. Nhưng theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, tại thời điểm này, nếu mua những dự án BĐS cao cấp để đầu tư thì phải hết sức thận trọng vì rủi ro luôn hiện hữu phía trước.

Người dân tự xây nhà, doanh nghiệp sẽ "chết"

Khi nghe chuyện xây nhà ở phải theo nhu cầu của thị trường có vẻ thừa. Tuy nhiên, nếu dạo một vòng ở khu vực trung tâm Tp.HCM sẽ nhận thấy có khá nhiều dự án căn hộ mặc dù đã hoàn tất xây thô nhưng không thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng bởi hệ lụy của "cơn sốt" địa ốc trước đây.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, tại nhiều dự án của các doanh nghiệp BĐS, cơ cấu nhà ở đã chuyển dịch mạnh theo hướng đưa ra các sản phẩm mà người tiêu dùng có nhu cầu cao. Đơn cử, nhiều dự án đã chuyển dần thành diện tích nhỏ, trung bình.
Đánh giá về triển vọng của thị trường BĐS, theo ông Nguyễn Trần Nam, kết quả điều tra dân số giữa kỳ 5 năm của Tổng Cục thống kê tới tháng 4/2014 (một số liệu rất đáng tin cậy, chính thống) cho thấy, dân số trong 5 năm (từ 2010-2014) chỉ tăng chưa đến 1 triệu người. Tuy nhiên, mỗi năm bình quân nước ta xây dựng mới chỉ được 83 triệu m2 nhà ở. Trong khi, con số này mười năm trước đó chỉ là 70 triệu m2.
Năm 2014, cá biệt nước ta xây dựng được 97 triệu m2 nhà ở. Theo dự báo của ông Nguyễn Trần Nam, trong 5 năm tới, chúng ta có thể tin tưởng rằng, trung bình mỗi năm xây dựng được 100 triệu m2 nhà ở với điều kiện kinh tế phục hồi, ổn định hoàn toàn.
Nhưng một yếu tố đặc biệt quan trọng mà các doanh nghiệp BĐS phải hết sức lưu ý, đó là khoảng một nửa diện tích nhà ở được xây mới nêu trên được xây dựng tại nông thôn do người dân tự xây. Một nửa còn lại xây tại thành thị nhưng chỉ có 30-35% là do doanh nghiệp BĐS xây và có đến 65-70% người dân tự xây. Có thể thấy, dù nhu cầu nhà ở tăng, diện tích tăng nhưng phần lớn diện tích nhà ở trong thời gian qua là do dân xây dựng chứ không phải doanh nghiệp xây.
Các chuyên gia nhận định, để diện tích nhà ở do doanh nghiệp đầu tư xây dựng bằng các dự án tăng dần tỷ trọng thì bản thân mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược, phát triển bền vững, xây dựng đầu ra, đi đúng vào nhu cầu thật, không theo cảm tính, phong trào.
(Theo Bizlive)

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến