Dịch trang

Môi giới địa ốc tất bật "vào mùa"

Nếu một vài công trường xây dựng dự án chung cư tại Hà Nội vẫn còn đâu đó chút uể oải đặc trưng thì trái lại, các văn phòng môi giới nhà đất đã nhanh chóng bắt nhịp công việc và gặt hái được nhiều thành quả.

Thậm chí, có nhân viên môi giới đã mau mắn chốt thành công vài giao dịch mua bán chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 2 vừa qua. 

Bắt nhịp sớm

Các đơn vị sàn giao dịch bất động sản có chức năng đầu tư/trực thuộc doanh nghiệp tạo lập dự án hay những văn phòng, trung tâm môi giới nhà đất, sàn giao dịch trung gian BĐS thuần túy đều có chung câu chuyện "nghỉ sớm, đi làm sớm".
Mùa bất động sản vừa qua, sau khi đã gặt hái đủ "quả ngọt" từ dịch vụ phân phối, đầu tư vào các sản phẩm bất động sản, những "đại gia" như Đất Xanh, STDA hay G5, Vic... có đủ cơ sở, uy tín để có thể gia tăng quy mô cũng như đẩy mạnh chuỗi phân phối. Đương nhiên những doanh nghiệp này cũng rất tự tin kinh doanh trước dự báo thị trường nhiều triển vọng.
Nhiều thông tin từ các kênh khác nhau đều cho thấy, đa số các "thương hiệu mạnh" đang rốt ráo triển khai làm việc khá sớm, ngay từ mùng 6 tết (tức 23/2/2015) thay vì du Xuân, xả hơi như những năm trước.
Đơn cử, Siêu thị Dự án (STDA) đã cho nhân viên đi làm trở lại từ hơn tuần nay. Công ty CP Đầu tư VIC khai xuân vào 25/2. Thậm chí, một đơn vị kinh doanh kiêm bán hàng chung cư mini trên đường Thái Hà (Đống Đa) còn tiết lộ, đã có khách hàng chủ động tìm tới sàn vào ngày mùng 5 tháng giêng…
Đặc trưng ngành nghề dịch vụ của thị trường nhà đất luôn thúc đẩy nhân viên môi giới "hăng say" bất kể ngày đêm, miễn là có khách "nét", có nguồn hàng chuẩn.
Với phần đa những văn phòng nhà đất (có chức năng kinh doanh, phân phối hợp thức, hợp pháp), kết quả kinh doanh tính tới thời điểm cuối tháng 1/2015 chỉ có thể "đủ ăn là may".
Đầu xuân năm mới, bên tách cà phê, người viết bài này được chia sẻ nhiều thông tin rất khác biệt. Nắm giữ khoảng 60% vốn góp của một sàn giao dịch ở quận Cầu Giấy, anh Tùng tỏ vẻ dè dặt khi bày tỏ dự định sẽ "ôm sàn dự án" để phân phối trong nay mai.
Môi giới bất động sản
Môi giới bất địa ốc đang được nhiều khách hàng tin tưởng. Ảnh minh họa
"Quy mô khiêm tốn với 10 nhân viên thành thạo nghề, nhiều mối quan hệ và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong nghề môi giới nhưng vẫn chưa thể yên tâm về thu nhập. Đã có những tín hiệu cho thấy thị trường địa ốc sắp ấm, giá trị bất động sản sắp… lên và nhiều dự án đã rầm rập cung hàng. Thế những, việc lựa chọn dự án và đầu tư phân phối cũng phải tính toán kỹ nếu muốn đón trúng điểm rơi sức mua ngay trong quý I/2015", anh Tùng chia sẻ.
Doanh nhân trẻ này cũng tiết lộ, những nhân viên của các sàn ở mức "nhỏ - gọn - tài chính vừa đủ chi trả hoa hồng dịch vụ" đều đang rục rịch tìm hàng, khớp giao dịch từ rất sớm. Tuy nhiên chỉ là để lấy ngày đẹp. Còn hiệu quả thế nào phải đợi sau tháng Giêng mới có thể khẳng định.
Thực tế tìm hiểu của PV ở chợ nhà đất Trung Hòa - Nhân Chính cho thấy, không ít sàn giao dịch, văn phòng môi giới đã hoạt động trong vài ngày qua. Tín hiệu tốt lành và xuất hiện rõ rệt hơn trong mảng giao dịch thuê - cho thuê nhà ở (gồm chung cư đã hoàn thiện và cả thổ cư tiện kinh doanh bán hàng).
Công thức này đều được dân môi giới (thuộc đơn vị không có chức năng đầu tư) thuộc nằm lòng và vận dụng suốt thời gian dài vừa qua. Lực lượng môi giới cho thuê nhà thổ cư, chung cư thương mại, căn hộ dịch vụ… vẫn đóng vai trò chủ chốt trong bảng thu nhập hàng tháng của những nhân viên lành nghề nhất.

Lấy thuê, bù mua

Với những người chưa gặp may mắn trong nghiệp trung gian, hoạt động thuê - cho thuê chính là chiếc phao cứu sinh cho họ cho dù thị trường có biến đổi thất thường đến đâu.
Câu chuyện của một nhân viên môi giới tên Lê Anh làm việc tại văn phòng nhà đất nằm không xa STDA cho thấy, mảng cho thuê ở thị trường Hà Nội chưa lúc nào cạn nhu cầu từ cả hai phía khách và chủ.
Tất bật quay lại Thủ đô và tự "xông đất" văn phòng trong ngày mùng 6 Tết, Lê Anh đặt ngay mục tiêu tập trung khai thác mảng cho thuê như trong năm và mở rộng sang môi giới mua bán căn hộ chung cư đã hoàn thiện có mức giá dưới 23 triệu đồng/m2.
"Phải làm cùng lúc cả hai mới mong cân đối cuộc sống - công việc. Hơn một tuần ở quê, khách hàng liên tục hỏi thuê, đặt cọc thấy tiếc quá. Tuy vậy, làm cho thuê nhỏ, lẻ cũng chỉ đủ cho người môi giới trang trải những chi phí cơ bản. Nếu muốn thu nhập gia tăng thêm nữa, chắc chắn phải tìm tới hoạt động mua bán bất động sản, trừ khi người môi giới gặp may liên tục với những hợp đồng thuê mặt bằng lớn có giá trị vài chục triệu/tháng thuê", Lê Anh cho biết.
Kể thêm dẫn chứng, môi giới này kể, có trường hợp một nhân viên nữ của sàn ML (Trung Hòa) đã kiếm được gần 100 triệu đồng tiền môi giới thuê mặt bằng kinh doanh những ngày sát Tết. Trường hợp đó chỉ là may mắn, vì thời gian trước đó, nhân viên này rất vất vả với mức thu nhập bình quân chưa đầy 9 triệu đồng/tháng…
Một môi giới tên Tùng của công ty bất động sản tại Hai Bà Trưng tỏ ra khấp khởi hi vọng khi chia sẻ: "Nếu trước đây, mỗi ngày có khi chỉ gọi khoảng 50 cuộc điện thoại, đăng 60 - 70 tin thì năm nay khi thị trường có những tín hiệu tốt hơn, môi giới sẽ tự mình gia tăng gấp đôi, gấp 3 con số này. Xác suất thành công theo đó cũng sẽ cao hơn. Kể cả khi có quy định không bắt buộc giao dịch qua sàn thế nhưng khách hàng hiểu biết vẫn đều… tin dùng khâu trung gian".
(Theo Thời báo Kinh doanh) 

Tồn kho BĐS vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp

Lượng tồn kho bất động sản (BĐS) trong năm 2014 đã giảm nhẹ với mức giảm là 9%. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu tài sản của các doanh nghiệp BĐS.

Theo thống kê tại 15 doanh nghiệp BĐS có vốn hóa thị trường lớn trong ngành, tính đến ngày 31/12/2014, tổng giá trị hàng tồn kho vào khoảng 43.314 tỷ đồng, chiếm tới 30% tổng tài sản (thống kê vào năm 2013 là 38%).
Thống kê cho thấy, có tới 10 trong số 15 doanh nghiệp khảo sát có hàng tồn kho tăng trong 2014. Tuy nhiên, do giá trị hàng tồn kho của Vingroup giảm 37% nên đã khiến giá trị tồn kho của 15 doanh nghiệp này giảm nhẹ 9% so với đầu năm 2014.
lượng tồn kho BĐS
Biểu đồ lượng tồn kho BĐS trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp
Lượng hàng tồn kho tăng mạnh nhất là của Công ty Nhà Khang Điền khi thời điểm cuối năm 2014, lượng hàng tồn kho đã gấp đôi so với đầu năm, mức tăng là 94% với 2.074 tỷ đồng, chiếm tới 66% tổng tài sản doanh nghiệp. Hàng tồn kho của doanh nghiệp này chủ yếu là của các dự án Song Lập Phú Hữu (662 tỷ đồng), Khang Điền Long Trường (229 tỷ đồng), Trí Minh Phú Hữu (322 tỷ đồng).
Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp khác còn mức hàng tồn kho BĐS cao là Nam Long (66%), BĐS Phát Đạt (89%), Xây dựng Bình Chánh (65%), Đầu tư Năm Bảy Bảy (77%) và Lideco (77%).
Biểu đồ lượng hàng tồn kho BĐS
Biểu đồ lượng hàng tồn kho BĐS của 15 doanh nghiệp lớn
Trong vòng 2 năm qua, tính đến thời điểm cuối 2014, hàng tồn kho BĐS đã có mức sụt giảm đáng kể. Trong quý IV/2014, lượng hàng tồn kho của 15 doanh nghiệp khảo sát không có thay đổi nhiều so với quý liền kề trước đó nhưng so với thời điểm đầu năm 2014, tổng giá trị hàng tồn kho đã giảm hơn 4.000 tỷ đồng.
So với quý II/2013 là quý có lượng hàng tồn kho cao nhất trong 2 năm qua, lượng hàng tồn kho thời điểm cuối 2014 cũng đã giảm hơn 5.000 tỷ đồng, tương ứng giảm 10%.
(Theo Bizlive) 

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến